Nghị định 71- Chương II - Mục 5: Xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân
Ngày đăng: 2014-09-02 13:28:33 | Lượt xem: 1011
Nghị định 71 - Chương II: Phát triển nhà ở - Mục 5: Xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân
CHÍNH PHỦ
Số: 71/2010/NĐ-CP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2010
|
|
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật số 38/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
NGHỊ ĐỊNH
|
Chương II
PHÁT TRIỂN NHÀ Ở
MỤC 5. XÂY DỰNG NHÀ Ở RIÊNG LẺ CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN
Điều 41. Yêu cầu về việc xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân
1. Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không thuộc diện bị cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Trước khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng nhà ở phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện cấp Giấy phép xây dựng nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân theo đúng thời hạn quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều 42. Khảo sát, thiết kế và xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân
1. Việc khảo sát, thiết kế nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc cao từ ba tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì phải do các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện thiết kế.
2. Trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị mà có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên hoặc có chiều cao từ ba tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì hộ gia đình, cá nhân phải thuê nhà thầu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện thi công xây dựng.
3. Hộ gia đình, cá nhân phải xây dựng nhà ở theo đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng đã được cấp, chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình xây dựng nhà ở và chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm an toàn về người và tài sản; trường hợp gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 43. Quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân
1. Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị của hộ gia đình, cá nhân phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
2. Hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 1.000 m2 trở lên hoặc có chiều cao từ sáu tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì bắt buộc phải có chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực do đơn vị có chức năng cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng trước khi đưa vào sử dụng.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở.
4. Đối với nhà ở thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều này mà không có chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực do đơn vị có chức năng cấp; nhà ở có nhiều căn hộ mà không đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này hoặc nhà ở thuộc diện phải xin Giấy phép xây dựng mà không có Giấy phép xây dựng thì không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó.
5. Đối với nhà ở có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này mà hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó; hộ gia đình, cá nhân chỉ được bán, cho thuê các căn hộ này sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các căn hộ đó. Khi bán căn hộ thì hộ gia đình, cá nhân phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung.
6. Việc quản lý sử dụng nhà ở chung có nhiều chủ sở hữu hoặc có nhiều hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng được thực hiện theo quy định về quản lý sử dụng nhà ở chung tại đô thị.
Nội dung được trích dẫn nguyên văn theo moj.gov.vn
Có thể quý khách đang tìm kiếm:
nghị định 71Tin tức khác:
- Luật kinh doanh BĐS (29/2023/QH15) siết chặt phân lô bán nền trên 105 thành phố thị xã (1/1/2025) (29/03/2024)
- Một chu kỳ bất động sản mới, bạn là ai sau 10 năm nữa chính là quyết định trong thời khắc này (23/11/2022)
- Hà Nam sẽ xây dựng cảng Yên Lệnh - Duy Tiên - Hà Nam rộng 23,02ha tại bãi sông Hồng (20/08/2022)
- Đưa bất động sản về giá trị thực? (26/07/2022)
- Hoài Đức họp ban chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn huyện (21/07/2022)
- 2022: Hòa Bình đón cơn bão dự án bất động sản du lịch & nghỉ dưỡng (23/05/2022)
- Cơ hội tăng tốc của Wellness Second-home hậu Covid 19 (23/03/2022)
- Resort nghỉ dưỡng ven đô cháy phòng dịp tết nguyên đán (30/01/2022)
- Khánh Hòa cho phép nghiên cứu, lập quy hoạch đầu tư 3 dự án 'khủng' tại Cam Lâm (27/10/2021)
- Hướng đến mục tiêu xây dựng Cam Lâm trở thành vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế (28/09/2021)