Thông tư liên tịch 01/2014 hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (p2)
Ngày đăng: 2014-11-03 20:48:06 | Lượt xem: 2637
Thông tư liên tịch 01/2014 hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (p2) từ Điều 13 đến Điều 34
"Điều 13. Công chứng hợp đồng thế chấp do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng
1. Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ quy định tại các Điểm a, c, d và Điểm đ Khoản 1 Điều 12 của Thông tư này và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng thế chấp.
2. Công chứng viên thực hiện các việc quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 12 của Thông tư này.
Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng thế chấp là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng thế chấp.
3. Người yêu cầu công chứng tự đọc dự thảo hợp đồng thế chấp hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo Tiếng Việt thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của dự thảo hợp đồng và lời chứng của công chứng viên cho người yêu cầu công chứng và ký vào từng trang hợp đồng thế chấp với tư cách là người phiên dịch.
Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thế chấp thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng.
Điều 14. Thủ tục khác về công chứng hợp đồng thế chấp
Các thủ tục khác về công chứng hợp đồng thế chấp gồm: thẩm quyền công chứng; thời hạn công chứng; địa điểm công chứng; chữ viết, ký, điểm chỉ, sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng thế chấp thực hiện theo pháp luật về công chứng.
Điều 15. Nghĩa vụ của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên
1. Các tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp theo đề nghị của người yêu cầu công chứng khi có đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Thông tư này.
2. Khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp, công chứng viên phải tuân theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng.
Chương III - ĐĂNG KÝ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ VIỆC THẾ CHẤP NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI
Điều 16. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển tiếp đăng ký thế chấp
1. Trường hợp thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa (sau đây gọi tắt là bộ phận một cửa) là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và chuyển cho các cơ quan đăng ký thế chấp quy định tại các Khoản 2 và khoản 3 Điều này. Trường hợp không thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thì cơ quan đăng ký thế chấp tiếp nhận hồ sơ đăng ký.
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp bên thế chấp là tổ chức trong nước,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài.
3. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có nhà ở hình thành trong tương lai hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có nhà ở hình thành trong tương lai trong trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Điều 17. Thời điểm đăng ký thế chấp và thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp
1. Thời điểm đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán là thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp hợp lệ.
2. Việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp, sửa chữa sai sót do lỗi của cơ quan đăng ký không làm thay đổi thời điểm đăng ký thế chấp đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
3. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được áp dụng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP).
Điều 18. Lệ phí đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Mức lệ phí đăng ký, chế độ thu nộp, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên.
Điều 19. Hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai lần đầu
Hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai lần đầu gồm:
1. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp lập theo Mẫu số 01/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính); trường hợp Mẫu số 01/ĐKTC-NTL không đủ để kê khai nội dung đăng ký thì kê khai bổ sung vào Mẫu số 04/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này;
2. Hợp đồng thế chấp có công chứng theo quy định của Thông tư này (01 bản gốc);
3. Hợp đồng mua bán nhà ở của tổ chức, cá nhân mua nhà ở ký với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường
hợp bên thế chấp là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì phải có thêm bản sao văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở (01 bản sao);
4. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền.
Điều 20. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
1. Các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai gồm:
a) Rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên thế chấp, bên nhận thế chấp; thay đổi tên của bên thế chấp, bên nhận thế chấp;
b) Rút bớt tài sản thế chấp;
c) Bổ sung tài sản thế chấp mà không ký kết hợp đồng thế chấp mới;
d) Sửa chữa sai sót nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký do lỗi của người yêu cầu đăng ký;
đ) Thay đổi nội dung khác đã đăng ký.
2. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và Điểm đ Khoản 1 Điều này gồm:
a) Đơn yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký thế chấp lập theo Mẫu số 02/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính); trường hợp Mẫu số 02/ĐKTC-NTL không đủ để kê khai nội dung đăng ký thì kê khai bổ sung vào Mẫu số 04/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này;
b) Hợp đồng về việc thay đổi trong trường hợp các bên thỏa thuận bổ sung, rút bớt tài sản thế chấp, thỏa thuận rút bớt, bổ sung, thay thế một trong các bên ký kết hợp đồng thế chấp (01 bản gốc);
c) Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền về việc thay đổi một trong các thông tin đã đăng ký: tên, loại hình doanh nghiệp của bên thế chấp, bên nhận thế chấp; một trong các bên ký kết hợp đồng thế chấp (01 bản sao có chứng thực);
d) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
3. Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này gồm:
a) Đơn yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký thế chấp lập theo Mẫu số 02/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính);
b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thay đổi là người được ủy quyền.
Điều 21. Hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đăng ký thế chấp do lỗi của cơ quan đăng ký
Khi phát hiện có sai sót về nội dung đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký thì người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót gồm:
1. Đơn yêu cầu sửa chữa sai sót theo Mẫu số 02/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính):
2. Đơn yêu cầu đăng ký đã được cơ quan đăng ký chứng nhận, trong đó nội dung chứng nhận có sai sót (01 bản chính);
3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu sửa chữa sai sót là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực).
Điều 22. Hồ sơ đăng ký xóa đăng ký thế chấp
Hồ sơ đăng ký xoá đăng ký thế chấp gồm:
1. Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai lập theo Mẫu số 05/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính);
2. Văn bản đồng ý xóa thế chấp của bên nhận thế chấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký xóa thế chấp là bên thế chấp (01 bản chính);
3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký xóa thế chấp là người được ủy quyền.
Điều 23. Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai
Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai gồm:
1. Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp theo Mẫu số 03/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính); trường hợp Mẫu số 03/ĐKTC-NTL không đủ để kê khai nội dung đăng ký thì kê khai bổ sung vào Mẫu số 04/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này;
2. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai (01 bản chính);
3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
Điều 24. Hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
1. Hồ sơ yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai được đăng ký thế chấp theo quy định tại Thông tư này gồm:
a) Đơn yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với nhà ở hình thành trong tương lai lập theo Mẫu số 06/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này (01 bản chính); trường hợp Mẫu số 06/ĐKTC-NTL không đủ để kê khai nội dung đăng ký thì kê khai bổ sung vào Mẫu số 04/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này;
b) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu sửa chữa sai sót là người được ủy quyền.
2. Hồ sơ yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai được đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật về thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai gồm:
a) Đơn yêu cầu và văn bản ủy quyền (nếu có) theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Văn bản cung cấp thông tin về việc thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai do Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản cấp (01 bản chính) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản cấp (01 bản sao có chứng thực), Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (nếu có) (01 bản sao).
Điều 25. Thủ tục đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và sửa chữa sai sót do lỗi của cơ quan đăng ký
1. Người yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Thông tư này.
2. Việc tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định;
b) Ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Đơn yêu cầu đăng ký và Phiếu tiếp nhận hồ sơ; ký và ghi rõ họ, tên vào phần cán bộ tiếp nhận hồ sơ; cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
c) Ghi thông tin tiếp nhận hồ sơ vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/STN ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT).
3. Việc tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa được thực hiện như sau:
a) Thực hiện các thủ tục quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Ghi thông tin tiếp nhận hồ sơ vào sổ nhận hồ sơ của bộ phận một cửa;
c) Chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.
4. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hồ sơ; xác nhận đơn đăng ký thế chấp, sao y bản gốc đơn đăng ký để lưu hồ sơ; ghi thông tin đăng ký thế chấp vào Sổ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo Mẫu số 07/ĐKTC-NTL kèm theo Thông tư này; chuyển bản gốc
đơn đăng ký đã xác nhận cho cơ quan hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký để trao cho người yêu cầu đăng ký.
Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối đăng ký bằng văn bản và chuyển hồ sơ đăng ký, văn bản từ chối đăng ký cho cơ quan hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ để trả lại hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.
5. Trường hợp cơ quan đăng ký thế chấp phát hiện có sai sót trong nội dung thông tin thế chấp đã đăng ký thì chỉnh lý thông tin thế chấp trong hồ sơ đăng ký thế chấp, Sổ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và gửi văn bản thông báo về việc chỉnh lý thông tin đăng ký thế chấp cho người đăng ký thế chấp.
Điều 26. Thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp
1. Việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp được thực hiện trước khi trao Giấy chứng nhận cho người được cấp. Hồ sơ yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp được nộp cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất căn cứ hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, hồ sơ yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp, thực hiện chuyển tiếp đăng ký thế chấp bằng việc xác nhận nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và trang bổ sung của Giấy chứng nhận.
3. Trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp đối với nhà ở được đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật về thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì sau khi thực hiện việc xác nhận nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và trang bổ sung của Giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận việc đã hoàn thành chuyển tiếp đăng ký thế chấp vào đơn yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp, sao y đơn yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đã xác nhận để lưu hồ sơ, gửi bản chính đơn yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đã xác nhận làm văn bản thông báo cho Trung tâm Đăng ký đăng ký giao dịch, tài sản theo quy định tại Điều 28 Thông tư này.
Điều 27. Lập, bổ sung và quản lý bộ hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
1. Bộ hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm hồ sơ đăng ký thế chấp lần đầu, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp, hồ sơ đăng ký xóa đăng ký thế chấp, hồ sơ đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản thế chấp, hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp. Các tài liệu được bảo quản trong túi hồ sơ; danh sách các tài liệu trong hồ sơ được lập, bổ sung theo trình tự thời gian phát sinh tài liệu và được lưu cùng bộ hồ sơ.
2. Cơ quan đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai có trách nhiệm lập, bổ sung, quản lý bộ hồ sơ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, Sổ đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Việc quản lý Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT.
Điều 28. Trao đổi thông tin giữa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản
1. Trước ngày trao Giấy chứng nhận ít nhất 01 ngày làm việc, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi văn bản thông báo về việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Thông tư này theo các phương thức bưu điện, fax, thư điện tử đến Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Ngay trong ngày nhận được văn bản thông báo về việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thực hiện xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật và gửi Văn bản thông báo về việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo các phương thức bưu điện, fax, thư điện tử cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để lưu hồ sơ đăng ký.
Điều 29. Cung cấp thông tin về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Việc cung cấp thông tin về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo quy định tại Chương III của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thanh tra theo thẩm quyền tình hình thực hiện Thông tư này và báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan.
Điều 31. Trách nhiệm của Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng các thông tin có liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn ngay sau khi dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và duy trì thời hạn công bố thông tin trong suốt thời gian thực hiện dự án.
2. Cung cấp thông tin theo đề nghị của bên nhận thế chấp về tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn, các dự án đã có thông báo bán nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, theo dõi xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm
trong hoạt động đầu tư phát triển nhà của các tổ chức, cá nhân, đồng thời thông báo cho các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn biết về các vi phạm này.
Điều 32. Trách nhiệm của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Thông tư này.
2. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tư pháp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Điều 33. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Hướng dẫn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định tại Thông tư này;
b) Cung cấp thông tin về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
2. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký thế chấp và chuyển tiếp đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
3. Đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thì Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quy định tại Thông tư này theo thẩm quyền do pháp luật về đất đai quy định.
Điều 34. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 6 năm 2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng; các Sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức hành nghề công chứng, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các tổ chức cá nhân phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Mạnh Hiển |
KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM PHÓ THỐNG ĐỐC (Đã ký) Nguyễn Đồng Tiến |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Đinh Trung Tụng |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Trần Nam |
------------------------------------------------------------------------
Nội dung được trích dẫn nguyên văn theo vbpl - CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Tin tức khác:
- Luật kinh doanh BĐS (29/2023/QH15) siết chặt phân lô bán nền trên 105 thành phố thị xã (1/1/2025) (29/03/2024)
- Một chu kỳ bất động sản mới, bạn là ai sau 10 năm nữa chính là quyết định trong thời khắc này (23/11/2022)
- Hà Nam sẽ xây dựng cảng Yên Lệnh - Duy Tiên - Hà Nam rộng 23,02ha tại bãi sông Hồng (20/08/2022)
- Đưa bất động sản về giá trị thực? (26/07/2022)
- Hoài Đức họp ban chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn huyện (21/07/2022)
- 2022: Hòa Bình đón cơn bão dự án bất động sản du lịch & nghỉ dưỡng (23/05/2022)
- Cơ hội tăng tốc của Wellness Second-home hậu Covid 19 (23/03/2022)
- Resort nghỉ dưỡng ven đô cháy phòng dịp tết nguyên đán (30/01/2022)
- Khánh Hòa cho phép nghiên cứu, lập quy hoạch đầu tư 3 dự án 'khủng' tại Cam Lâm (27/10/2021)
- Hướng đến mục tiêu xây dựng Cam Lâm trở thành vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế (28/09/2021)